ĐÁNH GIÁ RỦI RO

 

ĐÁNH GIÁ RỦI RO TRONG SẢN XUẤT THEO NHÓM CÁC YẾU TỐ NGUY HIỂM

 

TS. TRIỆU QUỐC LỘC

Viện N/c KHKT Bảo hộ lao động

Một trong những vấn đề trọng tâm của quản lý và kiểm soát an toàn là giám sát và đánh giá an toàn các đối tượng (bao gồm thiết bị, máy móc, quá trình công nghệ, công việc và NLĐ) trong quá trình tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ. Tuy nhiên vấn đề này lại đang tồn tại những hạn chế, bất cập nhất định do phương pháp và công cụ giám sát, đánh giá an toàn sản xuất kinh doanh ở nước ta hiện nay không còn phù hợp với thực tế sản xuất, cũng như khả năng phòng ngừa sự cố, tai nạn thấp.

 

Để đánh giá an toàn sản xuất (máy móc, thiết bị và quá trình công nghệ), có thể sử dụng những phương pháp khác nhau như phương pháp “cây sai phạm”; phương pháp “phiếu kiểm tra”; phương pháp “đánh giá phân loại theo thang điểm” (đề tài KX07-15, Viện BHLĐ, giai đoạn 1991-1995)…, nhưng nhìn chung các phương pháp này trong quá trình áp dụng thực tế đều bộc lộ những hạn chế như tính khả thi trong áp dụng đại trà không cao, hoặc khả năng và hiệu quả phòng ngừa tai nạn thấp v.v. Thí dụ như phương pháp “cây sai phạm”, đây là phương pháp đánh giá an toàn sản xuất mang tính tổng hợp, tuy nhiên để có thể áp dụng phương pháp này một cách phổ biến trong điều kiện thực tiễn sản xuất ở nước ta là không dễ, thậm chí có những hạn chế không thể khắc phục được. Thật vậy, nguyên tắc chung của phương pháp này là dựa trên đánh giá các đối tượng thiết bị, máy móc hoặc quá trình công nghệ một cách tổng hợp ở tất cả các khâu, từ giai đoạn thiết kế, chế tạo, lắp đặt đến vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng. Như vậy, để đánh giá mức độ an toàn của một đối tượng trong sản xuất đòi hỏi một mặt phải có đầy đủ các thông tin, dữ liệu kỹ thuật về đối tượng đánh giá ở toàn bộ các giai đoạn, mặt khác cũng rất quan trọng là cần phải có đầy đủ thiết bị, máy móc với độ chính xác cao để đo đạc, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại cần xác định đánh giá; hơn nữa cần phải có một đội ngũ chuyên viên giỏi, có trình độ kiến thức sâu trong từng lĩnh vực khác nhau. Trong khi đó, thực tế thiết bị, máy móc trong sản xuất ở nước ta lại phổ biến thuộc thế hệ máy cũ, thậm chí từ những năm 1980-1990 của thế kỷ trước, đặc biệt rất đa dạng về chủng loại và do nhiều nước chế tạo; hồ sơ lý lịch máy hầu như không quản lý được. Bên cạnh đó, bộ máy quản lý nhà nước về AT-VSLĐ nói chung và giám sát ATLĐ nói riêng lại quá mỏng, chưa đủ khả năng để áp dụng những phương pháp trên trong điều kiện sản xuất ở nước ta hiện nay. Bộ máy hiện nay có lẽ chỉ đáp ứng cho công tác kiểm định hoặc giám định an toàn và cũng chủ yếu chỉ dừng lại đối với các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ.

Mặt khác, hiện nay khái niệm về an toàn đã có nhiều thay đổi mang tính bản chất rõ rệt. Thay vì khái niệm an toàn được xem là tuyệt đối như trước đây, thì hiện nay an toàn được định nghĩa là sự không có những “rủi ro không thể chấp nhận được” (theo tiêu chuẩn TCVN 6450:1998-ISO/IEC Guide 2: 1996) và do đó vấn đề an toàn được đặt ra ở đây là xác định các “rủi ro cho phép” hay còn gọi là mức cân bằng tối ưu giữa an toàn tuyệt đối lý tưởng với các yêu cầu được đáp ứng bởi thiết bị, máy móc, quá trình công nghệ… trên cơ sở đánh giá rủi ro (phân tích và định giá rủi ro) với các bước từ nhận biết mối nguy hiểm (bao gồm cả tình trạng nguy hiểm và sự kiện nguy hiểm) có thể nảy sinh trong quá trình sản xuất, đến ước lượng và đánh giá rủi ro phát sinh từ những nguy cơ đã xác định. Như vậy, có thể thấy phương pháp giám sát, đánh giá an toàn theo hiện trạng mà hiện nay chúng ta đang sử dụng là hoàn toàn không còn thích hợp, mà thay vào đó cần phải nghiên cứu và áp dụng những phương pháp giám sát, đánh giá an toàn theo nguy cơ, rủi ro xảy ra các sự cố, tai nạn.

Nội dung phương pháp “giám sát an toàn sản suất theo nhóm các yếu tố nguy hiểm”

Cơ sở phương pháp luận

An toàn và TNLĐ là hai mặt đối lập của quá trình sản xuất, chúng luôn song song tồn tại và tác động qua lại lẫn nhau, khi TNLĐ cao thì mức độ an toàn của sản xuất là thấp và ngược lại. Chính vì vậy để quản lý an toàn cho một đối tượng trong sản xuất (máy móc, thiết bị và quá trình công nghệ), có thể hoặc là thông qua đánh giá, kiểm soát mức độ an toàn của đối tượng. Tuy nhiên việc đánh giá, kiểm soát tình hình TNLĐ xảy ra ở đối tượng thường có hạn chế lớn là những số liệu đánh giá chỉ thuần túy mang tính thống kê, không xét tới quá trình tích lũy tiềm tàng dẫn tới các tai nạn. Từ những phân tích trên, cũng như dựa trên quan điểm hiện nay về an toàn, một phương pháp mới để đánh giá an toàn sản xuất phù hợp hơn đã được nghiên cứu đưa ra, đó là phương pháp “Giám sát an toàn sản xuất theo nhóm các yếu tố nguy hiểm”. Phương pháp này đã bước đầu áp dụng khá thành công trong quá trình khảo sát đánh giá tình hình an toàn sản xuất của 10 CSSX công nghiệp điển hình ở khu vực phía Bắc, cũng như vận dụng trong các luận văn tốt nghiệp của các khóa sinh viên Khoa BHLĐ, Trường Đại học Công đoàn.

Trước hết, cơ sở phướng pháp luận của phương pháp nêu trên là dựa trên việc giám sát an toàn của đối tượng, thông qua đánh giá trực tiếp chỉ thị an toàn với nguyên tắc: nguy cơ sự cố, TNLĐ tối thiểu - an toàn sản xuất tối đa và như vậy là hoàn toàn phù hợp với quan điểm về an toàn hiện nay. Hơn nữa, đây còn là một xu thế chung và khá phổ biến nhằm phát hiện sớm các trạng thái nguy hiểm gây TNLĐ và đặc biệt có ý nghĩa tích cực trong việc góp phần ngăn ngừa TNLĐ trong sản xuất ở nước ta hiện nay.

Một số khái niệm và định nghĩa

- Chỉ số an toàn nhóm (Ski) là chỉ số đánh giá mức độ an toàn theo nhóm yếu tố nguy hiểm của từng đối tượng khảo sát (thiết bị, máy móc, quy trình công nghệ hoặc công việc), trong đó:

K- Chỉ số đặc trưng cho nhóm yếu tố nguy hiểm và được ký hiệu như sau:

K = 1 - Nhóm yếu tố nguy hiểm cơ học

K = 2 - Nhóm yếu tố nguy hiểm về điện

K = 3 - Nhóm yếu tố nguy hiểm về hóa chất

K = 4 - Nhóm yếu tố nguy hiểm về nổ

K = 5 - Nhóm yếu tố nguy hiểm về nhiệt

i - Chỉ số thứ tự đối tượng khảo sát (i = 1, 2, 3…n)

Như vậy, sẽ có 5 loại chỉ số an toàn nhóm Ski tương ứng: S1i, S2i, S3i, S4i và S5i

- Bậc điểm: chỉ số an toàn nhóm Ski được cho theo thang bảng điểm từ 1 đến 5 theo nguyên tắc “Nguy cơ tai nạn tối thiểu - An toàn tối đa” và được định nghĩa với các bậc điểm từ 1 đến 5, tương ứng với các mức xuất hiện nguy cơ và tác động của các yếu tố nguy hiểm, từ mức rất nguy hiểm, nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao: là tồn tại vùng nguy hiểm với sự tác động thường xuyên, liên tục của các yếu tố nguy hiểm; mức không an toàn, có nguy cơ xảy ra TNLĐ: là tồn tại vùng nguy hiểm và các yếu tố nguy hiểm có thể tác động một cách bất kỳ; mức an toàn, song cần phải có biện pháp bổ sung, hoàn thiện: là có thể xuất hiện vùng và tác động của các yếu tố nguy hiểm nếu như không có các biện pháp an toàn bổ sung thích hợp; hay mức bảo đảm an toàn: là có thể xuất hiện yếu tố nguy hiểm nhưng không tồn tại vùng nguy hiểm; và mức rất an toàn: là không xuất hiện những yếu tố nguy hiểm cũng như tồn tại vùng nguy hiểm.

- Chỉ số an toàn nhóm trung bình (Sk): là chỉ số đánh giá mức độ an toàn theo từng nhóm yếu tố nguy hiểm của toàn bộ các đối tượng khảo sát tại CSSX và được khẳng định bằng biểu thức:

 

 

Trong đó:

i,j và k là các số nguyên và có các giá trị từ 1÷ 5

αj là trọng số điểm an toàn, với j là chỉ số tương ứng với bậc điểm từ 1 đến 5 và có các giá trị aj tương ứng là: 0,38; 0,58; 0,72; 0,92 và 1,00 (tất cả đều có xác suất tác động của các yếu tố nguy hiểm ở đối tượng khảo sát nhỏ hơn hoặc bằng 1.10-4).

- Mức an toàn sản xuất của cơ sở theo nhóm các yếu tố nguy hiểm (L): chỉ số an toàn nhóm trung bình Sk sau khi được xác định sẽ được xếp theo 5 mức an toàn L khác nhau từ I đến V tương ứng với các giá trị của Sk là = 1,9; 2,0÷2,9; 3,0÷3,6; 3,7÷4,6; 4,7÷5,0.

- Đánh giá tổng hợp và phân loại an toàn sản xuất của cơ sở (G): được dựa trên kết quả đánh giá các mức an toàn L và phân làm 5 loại theo các mức:

+ rất kém: khi có một trong 5 nhóm yếu tố nguy hiểm ở mức an toàn I;

+ kém: khi có một trong 5 yếu tố nguy hiểm ở mức an toàn II;

+ đạt: khi có tối thiểu 3/5 nhóm yếu tố nguy hiểm ở mức an toàn III và không có nhóm nào ở mức II hoặc I;

+ tốt: khi có tối thiểu 3/5 nhóm yếu tố nguy hiểm ở mức an toàn IV;

+ rất tốt: khi có 4/5 nhóm yếu tố nguy hiểm ở mức an toàn V và không có nhóm nào ở mức III, II hoặc I.

- Phiếu đánh giá an toàn sản xuất của cơ sở: các kết quả khảo sát đánh giá tình hình an toàn sản xuất của cơ sở sẽ được đưa vào các mẫu phiếu và gửi cho các cơ sở để lưu giữ hằng năm (3 màu phiếu: đỏ - trắng - xanh).

 

Quy trình áp dụng phương pháp:

- Nghiên cứu sơ bộ CSSX:

+ Xác định cụ thể số lượng, chủng loại các đối tượng ở CSSX cần phải khảo sát, đánh giá. Đặc biệt chú ý tới các thiết bị, máy móc, quy trình công nghệ, công việc, vật tư, hoá chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ theo quy định hiện hành;

+ Xây dựng chương trình và kế hoạch khảo sát chi tiết ở cơ sở: lập phiếu thống kê đối tượng khảo sát và thông số kiểm tra, đo đạc theo mẫu phiếu PTK-M1 và lập phiếu khảo sát theo nhóm các yếu tố nguy hiểm (PKS.1-11; PKS.2-M1; PKS.3-M1; PKS.4-M1 và PKS.5-M1).

 

- Khảo sát đo đạc:

+ Phương pháp khảo sát:

• Phương pháp quan trắc: quan sát, kiểm tra trực tiếp tại máy và khu vực sản xuất để xác định nguy cơ xuất hiện và tác động của các yếu tố nguy hiểm theo 5 loại chỉ thị an toàn (thiết bị, cơ cấu, dụng cụ an toàn; PTBVCN được trang bị; quy trình, biện pháp làm việc an toàn (nội quy an toàn); mức độ huấn luyện kỹ thuật an toàn và các chỉ thị khác (tự động hoá…).

• Phương pháp đo đạc: sử dụng máy móc và thiết bị đo đạc chuyên dụng xác định thông số và chỉ tiêu tương ứng (điện trở nối đất, nối “0” thiết bị; cường độ điện từ trường, cảm ứng tĩnh điện; nhiệt độ vùng làm việc; kiểm tra khuyết tật, kiểm định chiều dày - độ bền thiết bị áp lực; nồng độ hoá chất, hơi khí độc; trạng thái rung động của thiết bị, máy móc.

+ Nội dung khảo sát, đo đạc: áp dụng hai phương pháp khảo sát trên, đánh giá nguy cơ xuất hiện và tác động của 5 nhóm yếu tố nguy hiểm đối với từng đối tượng khảo sát như đã được xác định. Các kết quả đánh giá từng đối tượng theo 5 loại chỉ thị an toàn được mã hoá dưới dạng chỉ số “0” và “1” với ý nghĩa:

“0” - không đảm bảo an toàn (chỉ thị là không hoặc có nhưng không đảm bảo an toàn; “1” - đảm bảo an toàn (chỉ thị là có và đảm bảo an toàn).

+ Mối quan hệ giữa bậc điểm và mã chỉ thị an toàn: bậc điểm là 5 khi tất cả 5 chỉ thị đều là “1”; bậc điểm là 4 khi có 4 chỉ thị là “1”; bậc điểm là 3 khi tối thiểu 2/4 chỉ thị là “1”, và trong đó có ít nhất chỉ thị (1) và (2) phải là “1”; bậc điểm là 2 khi chỉ thị (1) và (2) đều là “0”, và một trong hai chỉ thị còn lại phải là “1”; hoặc một trong hai chỉ thị (1) và (2) là “1”, các chỉ thị khác còn lại đều là “0”; và bậc điểm là 1 khi tất cả 4 chỉ thị đều là “0”.

 

- Xử lý kết quả, số liệu khảo sát: dựa trên bản chất của an toàn là sự tồn tại những rủi ro có thể chấp nhận được và để khả thi trong việc áp dụng phương pháp quản lý an toàn sản xuất theo nhóm các yếu tố nguy hiểm, Bộ chương trình phần mềm “Quản lý kiểm soát AT-VSLĐ và Môi trường - OSHEP_MM.01/06” đã phát triển một công cụ trợ giúp để xử lý các số liệu trong quá trình đánh giá an toàn sản xuất theo nguy cơ xuất hiện và tác động của các yếu tố nguy hiểm.

Tóm lại, có thể nói “Giám sát an toàn sản xuất theo nhóm các yếu tố nguy hiểm” là phương pháp đánh gía tình hình an toàn sản xuất theo nguy cơ rủi ro và việc áp dụng phương pháp này khá đơn giản, phù hợp đối với bất kỳ loại hình sản xuất nào, đồng thời không những cho phép đánh giá chung, tổng hợp tình hình an toàn của toàn bộ CSSX, mà còn có thể đánh giá mức độ an toàn của CSSX theo từng lĩnh vực cụ thể như: an toàn cơ học; an toàn điện; an toàn hoá chất v.v.. một cách định lượng (tỷ lệ phần trăm, chủng loại và số lượng máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ… không đảm bảo an toàn) làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch và biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn sản xuất một cách chủ động và phù hợp với tình hình thực tế của từng CSSX.

(TC Bảo hộ lao động số 4/2012)

Bảo hộ lao động Quang Trung trích dẫn http://nilp.org.vn

Các bài viết liên quan: Giày da bảo hộ lao động | Găng Tay bảo hộ lao động | Mũ Bảo hộ lao động | Lưới che chắn công trình  | Kính bảo hộ lao động