Cầu dây văng dài nhất Việt Nam chậm mặt bằng 2 năm

Cập nhật ngày: 24/01/2013 02:57PM

Khởi công từ năm 2009, dự án cầu dây văng Nhật Tân có vốn đầu tư lớn nhất Việt Nam liên tục bị đình trệ do vướng giải phóng mặt bằng. Sau nhiều lần gia hạn, Chính phủ đã chốt tiến độ hoàn thành dự án vào cuối năm 2014.

Dự án cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng và đường dẫn hai đầu cầu đi qua quận Tây Hồ và huyện Đông Anh (TP Hà Nội) có tổng mức đầu tư xây dựng lên tới 13.600 tỷ đồng, gồm vốn vay từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam cho phần xây dựng cầu và đường. Nguồn vốn cho công tác giải phóng mặt bằng và nhà tái định cư lấy từ ngân sách Hà Nội.

Cầu Nhật Tân thuộc vành đai 2 của Hà Nội, bắt đầu tại phường Phú Thượng (Tây Hồ), chạy song song và cách đường Lạc Long Quân khoảng 420 m. Sau khi vượt sông Hồng, cây cầu cắt đường 5 kéo dài tại nút giao Vĩnh Ngọc rồi đi thẳng theo hướng bắc và kết thúc ở điểm giao với đường Nam Hồng (huyện Đông Anh).

5 trụ chính của cầu Nhật Tân đã hoàn thành

Đây được coi là cầu dây văng dài nhất Việt Nam, với chiều dài 8,9 km, trong đó cầu chính dài 3,7 km, mặt cắt ngang 33 m, đường dẫn hai đầu cầu dài 5,2 km và toàn tuyến có 3 nút giao khác mức, một nút giao đồng mức. Cầu chính là cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp và đây là điểm nhấn kiến trúc cũng như giao thông ở phía bắc thủ đô khi kết nối trung tâm với các tỉnh phía bắc, rút ngắn tuyến đường từ trung tâm đến sân bay quốc tế Nội Bài.

Dự án xây dựng cầu và đường hai đầu cầu Nhật Tân do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án 85 là đại diện chủ đầu tư. Dự án giải phóng mặt bằng và tái định cư do Hà Nội làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn làm đại diện chủ đầu tư.

Để có mặt bằng giao cho đơn vị thi công, Hà Nội phải thu hồi, giải phóng 116 ha đất của 800 hộ dân ở quận Tây Hồ và huyện Đông Anh. Tuy nhiên, sau nhiều lý do như thiếu khu tái định cư, dân không đồng thuận... nên nhiều khu vực vẫn chưa thể giải phóng mặt bằng, dự án gần như "giậm chân tại chỗ" trong 2 năm.

Công trường thi công đường dẫn phía Tây Hồ vẫn ngổn ngang

Gói thầu xây dựng đường dẫn phía bắc (huyện Đông Anh) được khởi công sớm nhất vào tháng 3/2009 và được yêu cầu hoàn thành tháng 2/2012. Tuy nhiên, giữa năm 2011, nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) mới tiếp nhận đủ mặt bằng để triển khai. Hiện, nhà thầu này thi công được khoảng 60% khối lượng đường dẫn và các cầu vượt nút giao Vĩnh Ngọc, cầu Sông Thiếp.

Gói thầu đường dẫn phía nam (quận Tây Hồ) cũng lâm cảnh tương tự khi không có nhà tái định cư, người dân không hợp tác... Khởi công tháng 9/2011 yêu cầu hoàn thành vào tháng 5/2014, sau gần 10 lần bàn giao mặt bằng, cuối năm 2012, gói thầu này vẫn vướng khoảng 2,3 ha đất của 280 hộ dân ở nút giao Phú Thượng (quận Tây Hồ).

Sau 3 năm, theo kế hoạch, dự án đã sắp về đích, song hiện cả ba gói thầu mới đạt 30 - 60% khối lượng công việc. Có hạng mục vẫn thi công cầm chừng do chưa đủ mặt bằng. Do vậy, thời gian khánh thành cầu sẽ bị chậm ít nhất một năm.

Là dự án trọng điểm quốc gia, dự án cầu Nhật Tân thường xuyên được Chính phủ kiểm tra, đôn đốc. Sau nhiều lần gia hạn, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các cơ quan liên quan không để lùi tiến độ, kiên quyết bám mốc hoàn thành đồng bộ dự án vào cuối năm 2014.

Theo quy hoạch tổng thể, cầu Nhật Tân là một trong 7 cầu bắc qua sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội. Với thiết kế dây văng, cầu bắt đầu tại phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) đến điểm cuối giao với quốc lộ 3 (huyện Đông Anh). Cầu được thiết kế vĩnh cửu với kết cấu bê tông cốt thép rộng 8 làn xe, trong đó 6 làn xe cơ giới. Theo kế hoạch, tháng 10/2014, cầu này sẽ hoàn thiện và đi vào khai thác.

Nguồn : VnExpress

Bao ho lao dong quang trung  - trích dẫn

Tin mới

Các tin khác