Bảo trì đường phải được lập hồ sơ như bệnh án

Cập nhật ngày: 22/01/2013 03:54PM

"Một tuyến đường phải được lập hồ sơ như bệnh án của người bệnh. Đoạn đường này được đưa vào sử dụng bao giờ, được sửa chữa mấy lần, đơn vị nào bảo dưỡng…", Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Bỏ cơ chế khoán trong công tác bảo trì

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Tổng Cục Đường bộ VN phải đổi mới toàn diện công tác quản lý bảo trì đường bộ. Cụ thể, phải dứt khoát bỏ cơ chế khoán bảo trì cho các công ty như hiện nay và ký hợp đồng bảo trì với Cienco.

Nhiều đoạn đường bảo trì không đảm bảo chất lượng nên nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp.

“Các Cienco phải xem việc bảo trì đường bộ là trách nhiệm của mình. Tránh tình trạng khoán quản rồi để cho vài công nhân vác cuốc xẻng đi sửa đường thì không thể đảm bảo được chất lượng được”, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo.

Về công tác quản lý bảo trì, người đứng đầu ngành giao thông cũng nói rõ,  phải lập hồ sơ cụ thể công tác bảo trì của từng đoạn, từng tuyến đường để dễ cho công tác quản lý cũng như xử lý về sau.

“Một tuyến đường phải được lập hồ sơ như bệnh án của người bệnh. Đoạn đường này được đưa vào sử dụng bao giờ, được sửa chữa mấy lần, đơn vị nào bảo dưỡng… phải được ghi trong hồ sơ đầy đủ để đảm bảo cho công tác quản lý cũng như xử lý”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Bộc lộ nhiều yếu kém

Ngày 21/1, Tổng Cục đường bộ VN đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác 2012 và triển khai kế hoạch 2013, nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng công trình, bảo trì đường bộ đã được "mổ xẻ".

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục đường Bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho rằng, năm 2012, tuy đã đạt được mục tiêu duy trì hoạt động của hệ thống đường bộ thông suốt, nhưng công tác duy tu, bảo trì đường bộ còn bộc lộ nhiều yếu kém.

Công tác bảo trì đường bộ còn nhiều yếu kém.

Việc giám sát, kiểm tra nghiệm thu thanh toán còn nhiều hạn chế, bất cập. Chưa thể hiện đúng việc bảo dưỡng thường xuyên, chưa chuẩn xác, minh bạch cũng như chưa đáp ứng được việc ngăn ngừa xuống cấp của công trình.

Về công tác sửa chữa định kỳ, ông Quyền cũng thừa nhận, Tổng cục mới chỉ tập trung xử lý hư hỏng cục bộ để đảm bảo giao thông chứ chưa thực hiện sửa chữa định kỳ theo quy định.

Ngoài những yếu tố trên, phó tổng Cục đường bộ cũng cho rằng, công tác kiểm tra giám sát không đồng bộ từ trên xuống dưới thậm chí còn buông lỏng. Đặc biệt, việc kiểm tra giám sát mang tính thủ công chưa có các công cụ hỗ trợ phù hợp… đội ngũ cán bộ năng lực quản lý còn hạn chế.

Để đảm bảo chất lượng công trình, ông Lê Đình Thọ, Tổng Cục trưởng, Tổng Cục đường bộ VN chỉ đạo các đơn vị của Tổng Cục, kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân do thiếu tránh nhiệm làm ảnh hưởng đến chật lượng công trình gây lãng phí làm thất thoát vốn đầu tư…

Kể từ năm 2013 các sản phẩm của công trình sau khi bàn giao đưa vào sử dụng phải đảm bảo đúng thiết kế và được xã hội chấp nhận.

Trong điều kiện  khó khăn như hiện này, ông Thọ cũng đặt ra nhiệm vụ cụ thể, trong năm 2013 phải cố gắng giữ lấy đường và giảm thiểu được tai nạn, nhất là trong điều kiện nguồn vốn làm đường mới khó khăn như hiện nay.

 

Nguồn : vietnamnet

Bao Ho Lao Dong Quang Trung trich dan

Tin mới

Các tin khác