Xót lòng người chồng trẻ bệnh tật mong vợ ’đi bước nữa’

Cập nhật ngày: 01/10/2012 10:17AM

 

Bao ho lao dong Quang Trung - Trích dẫn.

(Đời sống) - Vừa tròn 23 tuổi, vợ con đề huề, anh Nguyễn Duy Khánh lại bị tai nạn lao động để rồi giờ đây bị bại liệt, ngày càng héo hắt. Trong căn nhà xiêu vẹo, tất cả mọi chuyện từ nhỏ đến lớn đều do đôi vai của người vợ mới tròn 20 tuổi gánh vác. Khi trò chuyện với chúng tôi, anh Khánh cho biết, giai đoạn đầu mới bị bệnh, anh sợ vợ sẽ bỏ mình đi theo người đàn ông khác. Thế nhưng, giờ đây, anh lại có ước nguyện “nếu có chết, tôi mong cô ấy sẽ đi thêm bước nữa”.

 

Ngày định mệnh

Chúng tôi tìm về nhà Nguyễn Duy Khánh (tổ 4, ấp Bình Trung, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang) nạn nhân của một vụ tai nạn lao động khiến anh từ người đàn ông khỏe mạnh trở thành một phế nhân. Qua lời chỉ dẫn của những người dân, cuối cùng, căn nhà xập xệ của vợ chồng anh Khánh cũng hiện ra trước mắt.

Nằm trên chiếc giường tre, anh Khánh giờ đây như một bộ xương đang thoi thóp. Khuôn mặt méo mó, thân hình gầy còm, đôi chân teo tóp và bị lở loét.

Cố gượng cười khi có người đến thăm, anh Khánh trấn an: “Mấy anh đừng hoảng khi nhìn thân hình của tôi nhé! Tôi cũng không muốn điều này, nhưng, ông trời bắt buộc phải vậy”.

Với giọng nói buồn rầu, Khánh từ từ kể lại mọi chuyện trong đau đớn. Do gia đình nghèo khó, lại không được học hành đến nơi đến chốn, lúc lấy vợ, có con, Khánh phải đi phụ thợ hồ với số tiền mỗi ngày được 70 nghìn.

Đối với anh, số tiền đó cũng tạm đủ chu cấp cho gia đình nhỏ của mình. Thế nhưng, làm chưa được bao lâu thì tai họa ập đến. Sáng 15/9/2011, cũng như bao ngày bình thường khác, vợ gọi anh thức dậy khá sớm, ăn cơm rồi mới đạp xe đi làm.

Bao ho lao dong Quang Trung - Chi sương đang chăm sóc cho chồng

Chị Sương đang chăm sóc cho chồng

 

Khi vừa đến công trình, bỗng nhiên anh thấy ớn lạnh. Nhưng điều này cũng qua nhanh. Chỉ mới làm được một lát, anh xách hồ lên giàn giáo cao gần 4m. Chỉ mới bước chân lên đến nơi thì tấm gỗ dưới chân anh bị rơi và anh cũng rơi theo xuống trúng đống gạch.

 

Cứ tưởng rằng tai nạn đã cướp đi mạng sống, nhưng anh đã được những người làm cùng phát hiện và đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang cấp cứu. Vì bệnh tình quá nặng nên các bác sĩ ở đây cho anh chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Theo bệnh án, anh Khánh bị đa chấn thương, dập tủy, gãy xương sống, gãy xương 2 chân…

Nhớ lại ngày hôm đó, chị Kiều Thị Thu Sương (vợ anh Khánh) ngồi cạnh bên cho biết: “Tôi đi chằm lá (thao tác tết lá dừa lại thành tấm như kiểu bện tranh rạ hoặc lá dừa của người dân miền Trung), nhưng trong lòng thấy cồn cào không thể làm gì được.

Định xin ông chủ về nhà coi có chuyện gì xảy ra không thì có người chạy đến bảo anh Khánh bị tai nạn, đang hấp hối tại bệnh viện. Tôi chạy cuống cuồng đến thì bác sĩ cho biết đã chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy. Do không có tiền, tôi phải chạy về nhà, mượn hàng xóm được 500 nghìn rồi bắt xe lên với chồng”.

Tai nạn xảy ra, chi phí chữa trị hơn 100 triệu đồng. Ông chủ nhà nơi anh Khánh làm hỗ trợ chữa trị được 15 triệu. Riêng ông chủ thầu thì trốn mất dạng không đến hỏi thăm hay bồi thường nghìn nào. Khi chúng tôi hỏi, vậy ông ấy giờ ở đâu anh chị có biết không? Anh Khánh thều thào:

“Gia đình ông ấy ở gần đây nên tôi cũng biết. Thế nhưng, ông ấy đã bỏ đi, gia đình họ cũng nghèo nên không làm gì được. Bây giờ, nghe đâu, 2 vợ chồng nhà đó cũng thôi nhau rồi”. Khánh gặp nạn, gia đình lại nghèo, cả bên nội lẫn bên ngoại đều cố gắng cầm cố tất cả những gì có giá trị, vay mượn tất cả những nơi có thể để chữa trị.

Bao ho lao dong Quang Trung - Căn nhà xập xệ của vợ chồng anh Khánh

Bao ho lao dong Quang Trung - Căn nhà xập xệ của vợ chồng anh Khánh

 

Đối với gia đình anh Khánh, tích cóp cả năm mới có được chừng 1 triệu. Thế nhưng, giờ đây, số tiền chữa trị đã lên hơn cả trăm triệu đồng. Cuối cùng, gia đình không đủ tiền chữa trị đành xin bệnh viện cho về.

“Ước gì có tiền để chữa trị đến nơi đến chốn thì có lẽ, bệnh tình của anh Khánh cũng không đến nỗi chỉ nằm liệt giường như bây giờ”, chị Sương quệt vội dòng nước mắt.

Đã hơn 1 năm trôi qua, anh Khánh chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân như bón cơm, nước, tiểu tiện, rửa vết thương… đều trút lên đôi vai của người vợ trẻ. Thế nhưng, do nằm quá lâu, mặc dù được vệ sinh sạch sẽ, nhưng phía sau lưng của anh cũng bị loét, lở nhiều nơi, từ lưng đến chân đều bị hoại tử.

Không chỉ thế, có nhiều nơi còn bị dòi đục khoét. “Đau lắm chứ, nhưng biết phải làm sao. Có đau đến mức nào thì cũng không thể nào nói với vợ, cô ấy đã khổ vì tôi lắm rồi. Tôi không muốn rên rỉ để rồi cô ấy phải khổ thêm”, anh Khánh nhẹ nhàng nói.

Nghe những lời này của chồng, chị Sương không cầm nổi những giọt nước mắt lăn dài trên gò má.

"Tôi mong cô ấy sẽ đi thêm bước nữa” ...

 

Ngồi nói chuyện được một lúc, chúng tôi xoay sang hỏi chuyện tình yêu của 2 người. Chị Sương bẽn lẽn cất giọng nhẹ nhàng nói với chồng: “Anh kể đi, em ngại lắm”. Với giọng trầm buồn, anh Khánh bắt đầu:

“Nhà tôi ở kế dòng kênh ở cách đây chừng vài cây số. Khi học đến cấp ba, đôi lần theo bạn bè ra đường lộ để chơi game. Nhiều lần đi ngang qua nhà của Sương, thấy cô ấy đẹp nên chọc ghẹo. Ban đầu cô ấy ghét tôi lắm, nhưng chọc riết rồi yêu lúc nào không hay”.

Thế rồi, đám cưới nghèo của 2 người cũng nhanh chóng diễn ra trước quan viên 2 họ. Khi mới cưới, 2 vợ chồng về nhà của một người tên Trung ở tạm. Đôi vợ chồng trẻ nhanh chóng có được 1 đứa con gái kháu khỉnh.

Mới năm ngoái, trong một cơn lũ, căn nhà lá của anh đã bị dòng nước cuốn trôi. Không có tiền để cất nhà lại, chị Sương đành trở về nhà mẹ ruột xin làm một cái chòi ở cạnh bên.

“Ngay từ lúc còn nhỏ, cha mẹ tôi đã thôi nhau rồi. Vì vậy, nói là nhà của mẹ, nhưng thật ra là do không có đất đai, mẹ được hàng xóm dựng lên một căn nhà lá ở cạnh bờ kênh và cũng sát đường lộ để có chỗ tránh mưa che nắng”, chị Sương cho biết.

Đúng như lời chị Sương, nói là một căn nhà, nhưng thực ra chỉ là một căn chòi. Phía trên là nhà của mẹ ruột chị Sương ở, nhưng tất cả đều trống hoác không có vật gì có giá trị.

Còn phía dưới là căn nhà của anh chị, rộng khoảng 12 m2, chỉ đủ để bỏ chiếc giường anh nằm và phía sau thừa thêm một khoảng trống để phơi áo quần.

Xung quanh nhà được làm bằng lá, đặc biệt, phần phía sau căn nhà, lá dừa đã mục nát, rơi từ lâu và giờ không có thứ gì che đậy. Chị Sương vừa nói vừa khóc:

“Nhà chỉ có một người đàn ông, nay lại nằm liệt giường, khổ lắm mấy anh ạ. Căn nhà bị hỏng cũng không biết làm sao sửa được”. Nói đến đây, sợ chồng buồn, chị lại vội nắm lấy tay anh Khánh an ủi: “Em nói vậy thôi chứ không trách móc gì anh đâu, anh đừng suy nghĩ lung tung”.

Từ ngày anh Khánh bị tai nạn đến nay, chị Sương vẫn đi chằm lá, mỗi ngày cố gắng lắm cũng chỉ được trăm tấm với số tiền được trả là 25 nghìn. Trong khi đó, gia đình có đến 3 người, nên số tiền này cũng không thấm tháp vào đâu.

Do không có tiền, nên chị Sương rất ít đi chợ, chỉ ăn dưa, cà, mắm,... cho qua bữa. Anh Khánh bệnh tật, nhưng cũng không được bồi dưỡng gì. “Nghĩ gì đến chuyện ăn sung sướng hả mấy anh, chỉ cần có đủ no bụng thôi cũng khó khăn lắm rồi.

May mà gia đình tôi được phường cho mỗi tháng 10 kí gạo nên cũng đỡ phải mua. Ngay đứa con nhỏ vừa lên 3, cũng không có được miếng thịt ăn như con người ta”, anh Khánh vội đưa tay áo lên lau dòng nước mắt vì sợ vợ thấy thì sẽ buồn.

Đến bây giờ, nằm ở nhà đã hơn 1 năm, những cơn đau vẫn thường giày vò anh. Lúc còn ở bệnh viện, bác sĩ đồng ý cho về nhà điều trị nhưng yêu cầu phải mua thuốc uống thường xuyên. Nhưng mỗi lần mua thuốc cũng phải đến vài trăm nghìn nên chỉ mua được 2 lần rồi thôi. Chỉ lúc nào quá đau, anh mới nói chị ra hiệu thuốc gần nhà mua vài viên thuốc giảm đau uống rồi thôi.

Nằm trên giường bệnh, anh Khánh không dám ca thán điều gì vì sợ vợ buồn. Bên cạnh đó, anh luôn lo lắng cho đứa con gái mới lên 3 của mình. Anh không biết rằng, cô con gái lúc lớn lên rồi sẽ ra sao. Anh và chị đều không được học đến nơi đến chốn, do đó, lúc còn khỏe anh luôn nghĩ rằng mình sẽ cho con đi học đến đại học dù khó khăn đến mấy.

Thế nhưng, bây giờ thì miếng cơm, manh áo cũng không đầy đủ... Bất chợt, đôi mắt Khánh sáng lên, anh cười: “Nhưng gia đình có sổ hộ nghèo, nghe đâu đi học không tốn tiền học phí. Có khi con gái tôi cũng học thành tài thì sao”.

Nghe đến đây, chúng tôi cũng không ngăn nổi xúc động. Người cha bệnh tật vẫn hy vọng rằng đứa con của mình sẽ ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng anh đâu có biết được rằng, đi học phải thêm trăm nghìn chi phí chứ riêng gì học phí đâu.

Trong suốt buổi trò chuyện, anh Khánh không ngừng dành cho vợ những lời tình cảm. Bởi như anh cho biết, kể từ ngày 2 anh chị cưới nhau, chưa bao giờ anh mua được cho vợ món quà nào kể cả bộ áo quần.

Thế rồi, tai họa ập đến khiến anh bị nằm liệt giường. Một mình phải quán xuyến hết tất cả mọi việc cho gia đình không một lời oán than. Giai đoạn đầu, anh sợ vợ thấy mình bệnh tật thì sẽ bỏ đi lấy chồng khác. Nhưng nằm liệt gần hơn 1 năm, thấy vợ con khổ cực, không ít lần anh nghĩ đến cái chết.

Và mỗi lần như thế, anh lại cầu nguyện “nếu có chết, tôi mong cô ấy sẽ đi thêm bước nữa”. Có lần, anh đem chuyện này nói với vợ, chị ôm chồng khóc và bảo, suốt đời này chỉ ở cạnh chồng. Nếu lúc anh Khánh qua đời thì chị sẽ sống như vậy để hương khói cho chồng và nuôi con.

Nguồn: baomoi.com - Ms.Ngọc

Trang thiết bị Bao ho lao dong liên quan: Quan ao bao ho, mu bao ho, kinh bao ho

Tin mới

Các tin khác